Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Tăng Huyết Áp kháng trị và YHCT


TĂNG HUYẾT ÁP (THA) KHÁNG TRỊ VÀ Y HỌC CỔ TRUYỀN (YHCT) 
(Phần 1) 

Bs. Trần Văn Năm 

Gọi là THA kháng trị (Resistant hypertension, refractory hypertension, un- controlled hypertension) khi:
  • Đã điều trị với 3 loại thuốc hạ áp (trong số đó có một loại thuốc lợi tiểu) nhưng không thể đạt được chỉ số huyết áp mục tiêu.
    (Huyết áp mục tiêu: dưới 140/90 mmHg ở người không bị đái tháo đường (ĐTĐ), nhỏ hơn 130/80 mmHg ở người ĐTĐ và cũng dưới 130/80 mmHg ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ của biến cố tim mạch [*]). 
  • Chỉ đạt được huyết áp mục tiêu khi phải uống từ trên 4 loại thuốc hạ áp trở lên cũng gọi là THA kháng trị. 
  • Hậu quả của THA kháng trị: tăng biến cố tim mạch: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh thận mạn tính, ĐTĐ, tổn thương cơ quan đích… 
1. Phân biệt 2 loại THA kháng trị:

1.1. THA kháng trị giả (pseudo-resistant hypertension):


Cần tìm hiểu trước khi kết luận là THA kháng trị thực. THA kháng trị giả do:
  • Tuân thủ điều trị kém, sử dụng thuốc chưa tối ưu, 
  • Ăn quá mặn hoặc nhiều chất đường, 
  • Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, 
  • Đang uống các thuốc có thể gây tăng huyết áp: thuốc giảm đau (NSAIDs), thuốc kháng viêm corticoid, thuốc ngừa thai, thuốc nhiều Cam thảo (cam thảo bắc), ephedrine (có trong một số thuốc tân dược, dược liệu Ma hoàng…), 
  • Thừa cân – béo phì, ngừng thở khi ngủ (ngáy, ngạt thở), mất ngủ, stress tâm – thể, THA áo choàng trắng (chỉ THA khi đến phòng khám), 
  • Bệnh THA (THA thứ phát: do một chứng hoặc bệnh thực thể hiện có): bệnh nhu mô thận, cường aldosterone, hẹp động mạch thận… 

1.2. THA kháng trị thực:
  • Xác định khi đã loại trừ được các nhóm nguyên nhân gây THA giả kể trên. 

2. Xử trí tăng huyết áp kháng trị bằng YHCT: ngoài các thuốc hạ áp của Y học hiện đại, có thể sử dụng kết hợp YHCT.

2.1. Phương pháp không dùng thuốc (Non-pharmacology therapy):

  • Ngủ đủ giờ, không nằm gối đầu cao (nên dùng gối thấp hoặc không gối), quần áo không quá chật. 
  • Cần kiểm tra hệ động mạch cảnh ngoài (có hẹp không?), thoái hoá cột sống cổ không? Vì cả 2 có thể gây thiếu máu não và cơ thể phản ứng bằng tăng nhịp tim và lực co bóp cơ tim nên gây tăng huyết áp? 
  • Tập thể dục đều đặn: thở 4 thời không đóng thanh quản (xem bài thở đúng để giữ sức khoẻ) sáng thức dậy và trước khi ngủ, xoa bóp, châm cứu, đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga, khiêu vũ… 
  • Ăn ít muối, giảm đường, không ăn quá no vào buổi tối, uống đủ nước cả ngày (1, 5 – 2 lít). 
  • Không lạm dụng chất kích thích: cai thuốc lá, hạn chế tối đa rượu – bia, 
  • Uống thêm thuốc gì (ngoài thuốc hạ áp) phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. 
  • Kiểm soát cân nặng: không thừa cân – béo phì. 


2.2. Phương pháp dùng thuốc (pharmacology therapy):


THA kháng trị xảy ra trên nền bệnh mạn tính, nên thường giảm chức năng hoạt động của các cơ quan (Đông y gọi là hư chứng) bao gồm:
  • chức năng giữ cân bằng của hệ thần kinh – nội tiết (điều hoà vận động, co bóp, dẫn truyền thần kinh, sản sinh hormone), 
  • chức năng cung cấp máu đến tế bào (gồm oxy, chất dinh dưỡng), 
  • chức năng chuyển hoá, bài tiết, hấp thu,… 
  • chức năng ổn định cân bằng nội môi. 

Hướng sử dụng thuốc tuỳ theo thể tạng của người bệnh (cá thể hoá điều trị), chức năng nào bị ảnh hưởng sẽ được điều chỉnh. Thí dụ:

  • THA kèm tuần hoàn máu kém: tức nặng ngực, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính…dùng thuốc cải thiện tuần hoàn (tăng tuần hoàn bàng hệ, tăng vi tuần hoàn, chống kết dính tiểu cầu…), YHCT gọi là khí trệ huyết ứ và sử dụng thuốc hoạt huyết hoá ứ. 
  • THA kèm tăng chuyển hoá cơ bản (nhịp tim nhanh, cảm giác nóng, tay chân nóng, khô miệng khát nước, bón, tiểu ít,…), YHCT gọi là hư nhiệt hoặc âm hư và sử dụng thuốc bổ âm (thuốc có tính mát, lạnh). 
  • THA kèm giảm chuyển hoá cơ bản (nhịp tim chậm, sợ lạnh, tay chân lạnh, dễ tiêu chảy hoặc sống phân,…), YHCT gọi là chứng dương hư và sử dụng thuốc bổ dương (thuốc có tính ấm, nóng). 
  • THA kèm thừa cân – béo phì, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết. YHCT gọi là chứng đàm thấp và sử dụng thuốc có tác dụng tăng chức năng chuyển hoá mỡ, đường (hoá đàm trừ thấp). 

(Phần 2: Các dược liệu có tác dụng hạ huyết áp)